Quỹ Tiền tệ Quốc tệ (IMF) đã kêu gọi Trung Quốc nâng cao hơn nữa mục tiêu cắt giảm công suất dư thừa trong ngành công nghiệp thép và than đá của nước này. Đồng thời đưa thêm các nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động.
Bên trong một nhà máy luyện thép ở Trung Quốc.
Trung Quốc, nước sản xuất thép và than lớn nhất thế giới, đã đưa ra chiến dịch cắt giảm công suất dư thừa trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, trong đó bao gồm ngành năng lượng sử dụng than đá và ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Nước này đang nỗ lực đóng cửa các nhà máy kém hiệu quả và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo kế hoạch của Bắc Kinh, trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, nước này sẽ đóng cửa các nhà máy thép với công suất khoảng 140 triệu tấn và các mỏ khai thác than với tổng công suất khoảng 800 triệu tấn, gần bằng 1/10 tổng công suất của thế giới trong năm 2016.
“Các mục tiêu cắt giảm được thực hiện khá tốt trong giai đoạn đầu, nhưng có thể làm tốt hơn nữa. Căn cứ vào các mục tiêu cắt giảm hiện tại của Trung Quốc, công suất sản xuất phôi thép của nước này trong giai đoạn 2018 – 2020 sẽ ngang với năm 2013, và chiếm khoảng 50% công suất toàn cầu. Đồng thời với việc cắt giảm, các hoạt động đầu tư vẫn được thực hiện theo các kế hoạch có từ trước", IMF cho biết.
Các bình luận của IMF đến sau khi số liệu sản xuất của Trung Quốc được công bố hôm thứ Hai (14/8). Sản lượng thép của nước này đạt mức cao kỷ lục 74,02 triệu tấn trong tháng 7, mặc dù đây được coi là tháng thấp điểm trong ngành xây dựng và tiêu thụ các sản phẩm thép của Trung Quốc.
Đến nay đã có khoảng 120 triệu tấn công suất thép chất lượng kém bị cắt giảm. Điều đó khiến nguồn cung bị thắt chặt và giá thép tăng cao hơn. Những nhà máy luyện thép sử dụng công nghệ hiện đại thu được nhiều lợi nhuận hơn, do vậy họ tăng cường sản xuất và khiến sản lượng thép tăng cao, các nhà phân tích cho biết.
Giá thép thanh kỳ hạn và giá than nhiệt kỳ hạn tại Trung Quốc đã tăng lần lượt 45,4% và 44,9% trong năm nay.
IMF cho biết, để đẩy mạnh chương trình cắt giảm thì Trung Quốc không nên trông chờ quá nhiều vào các biện pháp hành chính như giảm thời gian hoạt động của các nhà máy, liên doanh liên kết và hoạt động điều hành giá từ chính phủ.
“Tăng thuế bảo vệ tài nguyên môi trường lên, giảm trợ cấp năng lượng, siết chặt các tiêu chuẩn theo quy định sẽ giúp loại bỏ các nhà máy sử dụng công nghệ yếu kém, lạc hậu”, IMF cho biết.
Việt Anh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng